Khi con học quá tải

07/09/2015 09:38:04 GMT+7

Có rất nhiều trẻ bị quá tải với lịch học dày đặc: hết giờ học chính khóa thì lại “chui” vào các lớp học thêm ngoại ngữ, toán, lý, hóa... xen kẽ với các giờ học đàn, học vẽ... cho đến tối mịt. Hai ngày cuối tuần của trẻ cũng kín lịch với các buổi sinh hoạt rèn luyện kỹ năng sống hay mướt mồ hôi với các môn thể thao từ cầu lông, bóng đá, bơi lội... cho đến võ thuật.

Khi con học quá tải
Ảnh: Shutterstock
Thế nhưng kết quả thu được có thật sự tốt, bõ công bố mẹ và con cái đã bỏ ra? Hãy cùng tìm hiểu những dấu hiệu cho thấy trẻ một đứa trẻ bị quá tải và các biện pháp mà các bậc bố mẹ có thể giúp trẻ xây dựng một thời gian biểu học tập, sinh hoạt hợp lý.
Trẻ trở nên u sầu hay cộc cằn. Khi mệt mỏi và căng thẳng, những chuyện nhỏ nhặt cũng dễ dàng khiến chúng ta giận dữ và thất vọng. Trẻ cũng hành xử tương tự khi chúng phải đối mặt với quá nhiều thứ cùng lúc. Khi trẻ trở nên dễ bùng nổ, dễ xúc động và hay gây gổ với anh chị em trong nhà, đó là dấu hiệu trẻ bị quá tải.
Kết quả học tập sút giảm. Những đứa trẻ bị bắt học quá nhiều thứ thường quên mất các bài tập cần làm, những bài học cần học hoặc đơn giản là vì chúng quá mệt mỏi nên không còn sức để học, để làm bài tập. Hậu quả là chúng không có thời gian để chuẩn bị bài cho các đợt kiểm tra, và điểm số cũng như thứ hạng sẽ thấp hơn bình thường.
Không còn quan tâm đến những hoạt động yêu thích. Cũng giống như người lớn, trẻ cũng có những thời điểm chẳng muốn làm gì cả, chúng cũng cần có thời gian để tâm trí nghỉ ngơi. Càng bị quá tải, trẻ càng có nhu cầu để tâm trí nghỉ ngơi. Khi trẻ có vẻ không còn quan tâm đến những môn học ngoại khóa mà chúng từng yêu thích thì đã đến lúc bố mẹ cần bỏ bớt môn đó ra khỏi thời khóa biểu của trẻ.
Khi trẻ có những dấu hiệu bị quá tải, bố mẹ phải giúp trẻ có được một thời khóa biểu học tập, sinh hoạt cân bằng.
Định ra thứ tự ưu tiên. Các bậc phụ huynh cần bình tĩnh trò chuyện với trẻ và lắng nghe trẻ lựa chọn những môn học, những hoạt động ưu tiên cũng như kiên nhẫn nghe chúng giải thích lý do. Việc học ở trường vẫn phải nằm ở đầu danh sách. Sau đó, cả gia đình cùng sắp xếp những hoạt động nào là quan trọng nhất và dứt khoát bỏ hẳn những hoạt động nằm cuối danh sách.
Thời gian thư giãn. Bố mẹ phải đảm bảo rằng trong thời khóa biểu mới, phải có thời gian rảnh cho con trẻ. Điều này rất quan trọng. Cũng như người lớn, trẻ cần thời gian để chơi, hoặc chỉ là để nghỉ ngơi, thư giãn.
Đề ra quy định. Đó là những quy định về số lượng môn con trẻ sẽ học thêm trong năm học phải ít hơn trong thời gian con nghỉ hè, trong thời gian thi cử thì cắt giảm một số môn học ngoại khóa... Những quy định này cũng có thể bao gồm điểm số, thứ hạng của con ở lớp, giờ về nhà mỗi ngày...
Khi bố mẹ giúp con đề ra những quy định và hiểu được giá trị của việc chọn ra những công việc ưu tiên, bố mẹ đã giúp con rèn luyện kỹ năng cần thiết để cân bằng các hoạt động trong cuộc sống. Trẻ con cần thời gian để khám phá và xây dựng những luật lệ và giới hạn của riêng chúng. Điều đó giúp trẻ trở nên tháo vát hơn. Những bài học này sẽ giúp trẻ trưởng thành toàn diện hơn, đó chính là một trong những mục tiêu dạy con.
Có thể sau này khi lớn lên, con trẻ sẽ trách bố mẹ sao không cho con học bộ môn này, bộ môn kia... Nhưng các bậc bố mẹ cần phải biết chấp nhận điều đó.

Hạnh Ngân

Thanh niên